NGẮM HOA TUYẾT PHỦ TRẮNG ĐỒI ĐẤT ĐỎ
Khi sắc vàng rực của hoa dã quỳ dịu xuống, cũng là lúc hoa cà phê bung nở giữa đất trời Tây Nguyên. Mùa hoa ấy đẹp tinh khôi giữa bầu trời trong xanh như “suối ngàn cho em hát, cho anh đánh chiêng…” mà nhiều người yêu hoa vẫn dành cho cái tên trìu mến – “hoa tuyết” của miền đất đỏ bazan!
Nói về các mùa hoa trắng tinh khôi, ngoài những cánh đồng cải trắng, hoa mận, hoa mơ ở Tây Bắc hay mùa hoa sưa, cúc họa mi dịu dàng tại Hà Nội.. thì giờ đây, mùa hoa cà phê cũng khiến người ta mong ngóng. Tây Nguyên – vùng đất có nắng, có gió, có trời xanh mây trắng, đồi cao và đất đỏ. Tây Nguyên – chỉ có hai mùa mưa – khô rõ rệt, và tháng 3 là mùa hoa cà phê trổ hoa khắp rẫy nương. Thời gian này, đất trời khắp 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng được nhuộm sắc trắng tinh khôi của rẫy cà phê bạt ngàn. Do sự chênh lệch khí hậu ở các tỉnh mà mùa hoa cà phê thường nở thành 2-3 đợt và nối tiếp nhau kéo dài khoảng 2 tháng đến khi hết xuân.
Đi dọc theo những nẻo đường ở vùng đất đỏ bazan, không khó để nhìn thấy những đồi hoa cả phê trắng muốt trải dài tựa như một tấm thảm tuyết rộng lớn. Dưới ánh nắng của mùa xuân nơi đại ngàn, hàng triệu bông hoa cà phê như càng thêm bừng sáng. Hình ảnh hoa cà phê được xem là nét đẹp đặc trưng nhất của vùng đất Tây Nguyên, khiến du khách không khỏi xao xuyến khi ngắm nhìn và bồi hồi nhung nhớ khi phải chia xa. Ngay cả những người con nơi đây, mùa hoa cà phê vẫn làm cho họ ngỡ ngàng.
Từng nụ hoa co ro trốn mình trong kẽ lá, chống chọi với cái rét dài dằng dặc của mùa đông. Khi tiết trời chuyển sang xuân, nắng giòn hơn, đẩy lùi cái giá rét, mang hơi ấm đến cho vạn vật sinh sôi cũng là lúc những búp hoa cà phê trở mình thức giấc, sau thời gian ngủ vùi trong những ngày dài lạnh lẽo. Mới đêm qua thôi, cả rẫy cà phê vẫn xanh ngắt màu lá. Những búp hoa xinh xắn đang ngậm nước còn ẩn mình trong màu xanh ấy. Vậy mà sáng hôm sau, nụ đã chuyển mình thức tỉnh và bung ra những cánh hoa tinh khôi chào ngày mới.
Ta cùng lạc giữa hoa cà phê
Cho sương ướt tóc, hương đầy áo
Cho trĩu hồn thơm, mới trở về…”